Về dự án nghiên cứu
Lạm phát kỳ vọng có thể được ước lượng dựa trên các mô hình dự báo sử dụng các số liệu quá khứ. Song hạn chế của phương pháp này là nó không thích ứng với những biến cố mới trong nền kinh tế. Phương pháp khác là dựa vào các công cụ trên thị trường để ước lượng lạm phát kỳ vọng. Song phương pháp này chỉ có thể hiệu quả ở những thị trường tài chính tương đối phát triển. Những năm gần đây, phương pháp đo lạm phát kỳ vọng dựa trên số liệu điều tra đang thu hút sự quan tâm của các nhà quản lý và các nhà kinh tế học. Ưu điểm của phương pháp này là nó thu thập được ý kiến của đông đảo những người trực tiếp tham gia các hoạt động kinh tế về những thay đổi có thể xảy ra trong tương lai. Nó cũng phản ánh được sự đa dạng có thể có trong lạm phát kỳ vọng của các nhóm người tiêu dùng khác nhau.
Gần đây, Coibion và cộng sự (2019) đã đánh giá lại khả năng trong đó lạm phát kỳ vọng có thể được sử dụng như một công cụ điều tiết chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước hay không. Kết quả khẳng định lạm phát kỳ vọng thực sự là một công cụ chính sách tiền tệ, không chỉ phù hợp cho mục tiêu kiểm soát lạm phát mà còn phù hợp cho việc điều hành chính sách tiền tệ trong bối cảnh đặc thù, khi room điều tiết bằng lãi suất đã giảm thấp đến gần bằng 0.
Trong bối cảnh đó, việc nghiên cứu, ứng dụng và phát triển các phương pháp tính lạm phát nhận thức, lạm phát kỳ vọng là một yêu cầu tất yếu cho công tác điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hoàn toàn công bằng khi khẳng định rằng đo lường lạm phát nhận thức và lạm phát kỳ vọng trong lĩnh vực tài chính ngân hàng là một chủ đề rất mới ở Việt Nam và rất cấp thiết phải triển khai. Tính cấp thiết còn thể hiện trong bối cảnh do tác động của Covid 19, từ năm 2020 khi lãi suất Việt Nam rơi xuống mức thấp nhất trong lịch sử, đòi hỏi cần bổ sung thêm công cụ hỗ trợ điều tiết và thực thi chính sách tiền tệ trong giai đoạn khó khăn này.
Nội dung và mục tiêu
Mục tiêu tổng quát
Xây dựng khung phân tích và các công cụ tính toán chỉ số lạm phát nhận thức và lạm phát kỳ vọng trong nền kinh tế Việt Nam nhằm chuyển giao cho NHNN sử dụng phục vụ công tác điều hành vĩ mô.
Nội dung và mục tiêu cụ thể
Mục tiêu: Xây dựng các phương pháp, các bước tiến hành và các công cụ đo lường chỉ số lạm phát kỳ vọng trong nền kinh tế Việt Nam.
Sản phẩm: Hướng dẫn các phương pháp đo lường lạm phát kỳ vọng và bảng hỏi thu thập dữ liệu cho các bên sử dụng (Ngân hàng Nhà nước và Trường ĐH Kinh tế – Luật).
Mục tiêu: Thực hiện thu thập các dữ liệu theo quy mô mẫu, mang tính đại diện các vùng miền của Việt Nam.
Sản phẩm: Bộ dữ liệu khảo sát lưu dữ trên Excel.
Mục tiêu: Phân tích và diễn giải số liệu thu được với các công cụ thống kê mô tả trên nền tảng excel phục vụ báo cáo kết quả tính toán các chỉ số lạm phát, lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam cho các năm 2020, 2021.
Sản phẩm: Kết quả tính toán các chỉ số lạm phát, lạm phát kỳ vọng của nền kinh tế Việt Nam cho các năm 2020, 2021 và hướng dẫn sử dụng kết quả nghiên cứu cho bên sử dụng (Ngân hàng Nhà nước).
Mục tiêu: Xây dựng trang web chuyên sâu tích hợp 3 tính năng: (1) khảo sát, (2) công bố bố kết quả, và (3) thăm dò ý kiến dư luận về lạm phát kỳ vọng.
Sản phẩm: Trang Web sẽ được vận hành và khai thác song song của 2 đơn vị (UEL và Ngân hàng Nhà nước).