KHẢO SÁT ĐỢT 1 – THÁNG 10 NĂM 2020
Lạm phát nhận thức và kỳ vọng trong nền kinh tế Việt Nam tháng 10/2020
Ý kiến khảo sát lần lượt được lượng hóa thành các con số cụ thể phản ánh nhận thức và kỳ vọng của người dân về sự thay đổi của lạm phát trong nền kinh tế. Phương pháp sử dụng gồm Balance Statistics (BS) và Thống kê mô tả. Kết quả trình bày ở các sơ đồ dưới đây.
84,6% người dân nhận thức rằng lạm phát tăng đã tăng trong 10 tháng đầu năm 2020 và mức tăng tương đối ổn định trong vùng từ 5% đến 6%. 19% trong số đó nhận thức giá tăng rất mạnh, chạm đến ngưỡng 9%, thậm chí một vài trường hợp dự báo lạm phát vượt lên cao hơn 15%. Xét trung bình toàn mẫu khảo sát, mức trung bình chung là 4,8% và mức trung vị là 5%, cho thấy nhận thức về lạm phát trong dân chúng tương đối tập trung, và cao nhẹ so với mức trung bình 3,5% của lạm phát chính thức. Giá trị lạm phát quy đổi này tương đối thống nhất ở cả 2 phương pháp tính, vì vậy có tính tin cậy và có tính phù hợp.
Trong bối cạnh lo ngại dịch Covid-19 chưa được kiểm soát, phần lớn người dân tiếp tục nhận định rằng giá cả tiếp tục tăng trong những tháng còn lại của 2020, tuy nhiên mức tăng không cao như giai đoạn đầu Covid-19. 31% trả lời rằng giá cả sẽ tăng mạnh lên mức 7% đến 8.4%. 51% cho rằng giá cả tăng nhẹ, vừa phải từ 5% đến 6%. Hơn 18% nhận định giá không thay đổi. Tỷ lệ này gấp 3 lần so với số 6% nhận định giá không thay đổi trong 10 tháng đầu năm 2020. Mức lạm phát trung bình toàn mẫu xoay quanh mức 5,1% đến 5,6%, tương đối thống nhất qua 2 cách tính. Tựu chung lại cho thấy, theo thời gian người dân đã có sự bình tĩnh trước các ảnh hưởng của Covid-19, đưa ra nhận định tương đối ổn định về sự vận động của giá cả trong thời gian tới.
Tuy lạm phát nhận thức và kỳ vọng đo được có cao hơn thực tế nhưng phù hợp ở các điểm sau. Thứ nhất chênh lệch không lớn so với kinh nghiệm thế giới. Thứ hai, lạm phát nhận thức chịu ảnh hưởng nhiều bởi các hàng hóa có tần suất mua sắm cao như lương thực, thực phẩm, lại là những mặt hàng có trọng số tiêu dùng lớn trong giai đoạn COVID-19 và hậu COVID-19, vì vậy, hiển nhiên là cao hơn so với chỉ số lạm phát chung. Chỉ số lạm phát chung phản ánh mức giá chung của nền kinh tế, bao gồm cả sự giảm giá của một số nhóm hàng như giao thông, bưu chính, viễn thông, dịch vụ du lịch, khách sạn ….
Đồng thời, cũng có thể thấy khoảng cách giữa lạm phát nhận thức/kỳ vọng và lạm phát mục tiêu ở Việt Nam không quá lớn. Điều này chứng tỏ độ tin cậy của chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước khá tốt trong nền kinh tế của Việt Nam, dù có những biến động lớn do Covid-19 gây ra.
Quy mô khảo sát
Khảo sát được thực hiện trên khắp cả nước, tập trung vào khu vực phía Nam. Người tham gia khảo sát phần lớn có độ tuổi từ 25 đến 34 tuổi, đã có gia đình, và có mức thu nhập khá. Dù đối tượng tham gia khảo sát đa dạng về trình độ học vấn và nghề nghiệp nhưng chiếm tỷ trọng lớn nhất vẫn là trình độ đại học và các ngành nghề kinh doanh. Thông tin cụ thể về quy mô khảo sát được trình bày dạng đồ thị trực quan dưới đây.